Thứ sáu, 22/12/2023 17:12

Kế hoạch quản lý loại trừ các chất gây suy giảm tầng ô-dôn: Mục tiêu và kết quả đạt được

Dự án “Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC* của Việt Nam giai đoạn II” (HPMP II) đặt mục tiêu giai đoạn 2018-2023 Việt Nam giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal. Các bên liên quan đã nỗ lực triển khai dự án và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Mục tiêu của Dự án HPMP II

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Ngân hàng thế giới (WB) vừa tổ chức hội thảo Tổng kết Dự án “Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II”. Dự án HPMP II do Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal tài trợ, ủy thác WB quản lý với mục tiêu trong giai đoạn 2018-2023 giúp Việt Nam giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal.

Cục Biến đổi khí hậu được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động theo Quyết định số 1888/QĐ-BTNMT ngày 13/06/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Văn kiện và Quyết định đầu tư Dự án HPMP II. Mục tiêu của Dự án là: 1) Loại trừ hoàn toàn tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí gia dụng, lĩnh vực làm lạnh, sản xuất xốp XPS và lĩnh vực dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh; 2) Loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b trộn sẵn trong polyol đối với lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt; 3) Bảo đảm để Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC từ năm 2020 đến năm 2024; 4) Giảm lượng phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng các công nghệ thay thế không có tiềm năng làm suy giảm tầng ô-dôn (ODP) và tiềm năng làm nóng lên toàn cầu (GWP) thấp, cải thiện hiệu suất năng lượng trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí; 5) Tăng cường kiểm soát xuất, nhập khẩu các chất HCFC và tuyên truyền, phổ biến các công nghệ không sử dụng HCFC trong các lĩnh vực liên quan; 6) Hoàn thành xây dựng Văn kiện dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn III trình Quỹ Đa phương xem xét tài trợ cho việc loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất HCFC ở Việt Nam.

Kết quả đạt được

Triển khai Dự án HPMP II, Cục Biến đổi khí hậu đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với một số cơ quan, tổ chức như: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bản ghi nhớ hợp tác ngày 02/12/2019 về phối hợp tổ chức hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực làm lạnh và điều hoà không khí); Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan (Bản ghi nhớ hợp tác ngày 20/02/2020 về trao đổi thông tin và tăng cường năng lực cho cán bộ hải quan trong việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn ở Việt Nam); Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và Hội Khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam (Bản ghi nhớ hợp tác ngày 22/10/2021 về hợp tác thúc đẩy triển khai Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali tại Việt Nam giai đoạn 2021-2026). Nhiều hoạt động phối hợp giữa các bên đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần đáng kể đạt được các mục tiêu đề ra.

Phối hợp với cơ quan hải quan tổ chức tập huấn về chính sách, pháp luật giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, quản lý xuất khẩu, nhập khẩu các chất được kiểm soát cho hơn 350 cán bộ hải quan trong toàn ngành. Trong suốt giai đoạn thực hiện Dự án, nhờ sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan), Việt Nam duy trì mức tiêu thụ cho phép dưới 2.600 tấn/năm, đáp ứng yêu cầu cam kết theo Nghị định thư Montreal.

Về tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ giảng dạy tại các trường cao đẳng/trung cấp nghề, Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh, Trường Cơ khí thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức đào tạo giảng viên nguồn về thực hành tốt trong lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí sử dụng với môi chất lạnh có tính cháy cho 188 giảng viên tại các trường cao đẳng/trung cấp nghề. Trong đó, 110 bộ đồ nghề giảng dạy (bao gồm máy điều hòa không khí, thiết bị đo dò ga môi chất lạnh, đồng hồ đo áp suất, thiết bị thu hồi môi chất lạnh, bình chứa môi chất lạnh, bơm chân không, bộ dụng cụ, cân môi chất lạnh và bàn thao tác) được hỗ trợ cho các trường nghề phục vụ công tác giảng dạy.

Bên cạnh đó, Cục Biến đổi khí hậu cũng đã phối hợp với các bên tổ chức hơn 100 khóa tập huấn về nguyên tắc thực hành tốt trong thao tác xử lý các chất HCFC và môi chất lạnh có tính cháy cho hơn 3.200 kỹ thuật viên, học viên. Trong đó, 300 bộ đồ nghề sửa chữa (bao gồm thiết bị đo dò ga môi chất lạnh, đồng hồ đo áp suất, bơm chân không, bộ dụng cụ) được hỗ trợ cho các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh trong cả nước. Tài liệu “Sổ tay hướng dẫn về nguyên tắc thực hành tốt trong lắp đặt, sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị sử dụng môi chất lạnh HCFC và môi chất lạnh thay thế” được xây dựng và sử dụng trong hoạt động đào tạo xuyên suốt của Dự án. Dự án cũng đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu hoạt động đào tạo và tăng cường năng lực trên trang thông tin điện tử phục vụ công tác quản lý.

Dự án đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp thực hiện và hoàn thành các tiểu dự án chuyển đổi công nghệ trong các lĩnh vực: sản xuất thiết bị lạnh, sản xuất xốp cách nhiệt, sản xuất điều hòa không khí và xây dựng trạm trộn HFO. Tài liệu kỹ thuật hướng dẫn chuyển đổi công nghệ loại trừ HCFC-22 cũng đã được xây dựng và hoàn thành để phổ biến cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực lạnh sử dụng khi đưa ra các quyết định về chuyển đổi công nghệ. Hỗ trợ 20 bộ thiết bị dò ga môi chất lạnh cho 09 doanh nghiệp sử dụng thiết bị lạnh công nghiệp để quản lý rò rỉ môi chất lạnh HCFC-22, hỗ trợ 02 bộ đồ nghề cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang công nghệ không sử dụng HCFC-22 và hỗ trợ 02 bộ đồ nghề chuyển giao cho trường đào tạo nghề khu vực miền Trung và miền Nam.

Trong hoạt động hợp tác với Chính phủ Nhật Bản, Tổ chức Bảo tồn môi trường và môi chất lạnh Nhật Bản (JRECO) đã tổ chức đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho Công ty Nagakawa hoàn thành lắp đặt dây chuyền sản xuất chuyển đổi công nghệ trong sản xuất điều hòa không khí sử dụng ga R32 và đưa ra các khuyến nghị về tổ chức sản xuất, biện pháp bảo đảm an toàn trong vận hành dây chuyền thiết bị.

Về hỗ trợ kỹ thuật, thông qua Dự án, Cục Biến đổi khí hậu đã xây dựng và trình ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13334:2021 về xốp cách nhiệt polyuretan (PU) sử dụng chất trợ nở dễ cháy - Yêu cầu về an toàn trong sản xuất áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất xốp cách nhiệt PU sử dụng chất trợ nở có tính cháy (Quyết định số 1500/QĐ-BKHCN ngày 08/06/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ); xây dựng dự thảo chương trình đào tạo về thu hồi môi chất lạnh và phương pháp thực hành tốt để giảm rò rỉ môi chất lạnh ra môi trường gửi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xem xét, tích hợp vào công tác đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; xây dựng dự thảo tiêu chuẩn về an toàn trong sản xuất và lắp đặt điều hòa không khí treo tường sử dụng R-32 đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.  

Định hướng giai đoạn tới

Tiếp nối những kết quả đã đạt được và tiếp tục lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal, Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp với WB, Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc nghiên cứu những vấn đề trọng tâm, các lĩnh vực ưu tiên để tham mưu đáp ứng việc loại trừ các chất được kiểm soát. Việt Nam đã gửi Quỹ đa phương thi hành Nghị định thư Montreal đề xuất Dự án Quản lý bền vững các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal (KIP I và HPMP III) tập trung vào: i) Tiếp tục loại trừ tiêu thụ các chất HCFC trong lĩnh vực dịch vụ bảo trì, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí; ii) Hỗ trợ cho việc tuân thủ nghĩa vụ giữ mức tiêu thụ ở mức cơ sở vào năm 2024 và loại trừ 10% lượng tiêu thụ cơ sở các chất HFC vào năm 2029.

Trong điều kiện của một nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thể hiện nỗ lực cao trong các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn, góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị định thư Montreal. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn đã chi tiết hóa nhiều nội dung về quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, quản lý các môi chất lạnh được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal và quy định lộ trình xây dựng, triển khai thị trường trao đổi tín chỉ các-bon tại Việt Nam trong thời gian tới.

*Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC) là nhóm chất gây suy giảm tầng ô-dôn dùng làm môi chất lạnh sử dụng trong thiết bị làm lạnh và trong công nghiệp bán dẫn, được sản xuất trong nước, nhập khẩu riêng hoặc chứa trong các thiết bị điện lạnh nhập khẩu.

 

VVH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)