Những kết quả đạt được
Tính đến tháng 06/2023, TP Hải Phòng có 100% số xã đạt chuẩn NTM, 45 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 22 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 7/7 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM, được đánh giá là một trong 18 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM; một trong 6 tỉnh, thành phố có 100% số huyện đạt chuẩn NTM và là một trong những địa phương tiêu biểu trên toàn quốc dành nguồn lực lớn từ ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Đặc biệt, năm 2023, Thành phố phân bổ 3.064 tỷ đồng vốn đầu tư công cho Chương trình xây dựng xã NTM kiểu mẫu, trong đó, 1.314 tỷ đồng cho 30 xã đã triển khai từ năm 2022 (bình quân 43,8 tỷ đồng/xã) và 1.750 tỷ đồng cho 35 xã triển khai từ năm 2023 (bình quân 50 tỷ đồng/xã).
Việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó các công trình giao thông, trường học, văn hóa, y tế, môi trường… được Thành phố đặc biệt quan tâm, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC), nông nghiệp sạch là 1 trong 3 trục quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, Hải Phòng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, sử dụng CNC, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa.
Ngoài ra, toàn Thành phố hiện có 20.340 ha vùng sản xuất tập trung (trong đó 14.500 ha sản xuất trồng trọt; 312 ha sản xuất chăn nuôi; 5.528 ha sản xuất thủy sản), với giá trị sản xuất trung bình đạt trên 250 triệu đồng/ha/năm, thu hút 12 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC với tổng quy mô diện tích 489,6 ha, kinh phí đầu tư 3.124 tỷ đồng, nhiều nơi đã đi vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao; 17 doanh nghiệp khảo sát, xin chủ trương đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, diện tích 2.186,6 ha, dự kiến kinh phí đầu tư 8.118,9 tỷ đồng.
Mặt khác, Thành phố đã hoàn thành, công bố mở và đưa vào sử dụng 3 cảng cá tại Trân Châu, Ngọc Hải và Tây Nam Bạch Long Vĩ. Đến nay, Thành phố có tổng số 5 cảng cá và 11 khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá, đáp ứng yêu cầu neo đậu của hơn 4.000 tàu… Những kết quả trên là nỗ lực và thành quả chung của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP Hải Phòng, đặc biệt là sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, đồng thời, là những chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp mà Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 16 đề ra.
Giải pháp trọng tâm
Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố thời gian tới, xây dựng NTM tiếp tục được xác định là mục tiêu quan trọng hàng đầu, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực thực hiện, thể hiện qua việc triển khai Chủ đề năm trong 2 năm liên tiếp đều có thành phố “Xây dựng NTM kiểu mẫu”, từ đó khẳng định quyết tâm thực hiện hiệu quả Đề án số 05/ĐAUBND ngày 13/07/2023 của UBND Thành phố về mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, trong đó phấn đấu đến năm 2025, 100% số xã (137 xã) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4 huyện (Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy) đạt chuẩn huyện NTM nâng cao và tiếp tục thực hiện đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu (sau khi có hướng dẫn của Trung ương).
Để hoàn thành mục tiêu, định hướng nêu trên, TP Hải Phòng sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, kiên định với các mục tiêu và tiêu chí đã đạt được của giai đoạn trước, nâng cao dần chất lượng các tiêu chí và duy trì tính bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng NTM để nhân rộng. Tìm hiểu những bài học kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình điểm để vận dụng sáng tạo và điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm văn hóa, kinh tế - xã hội của từng vùng miền, địa phương; phát huy và nhân rộng các mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khung thể chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ việc triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường cho phù hợp với thực tiễn theo hướng lượng hóa các chỉ tiêu/tiêu chí có tính đến yếu tố vùng miền. Bên cạnh việc nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí và hướng dẫn thực hiện tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh các hành vi, đối tượng trong mối tương quan giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tách biệt các nhóm đối tượng trên địa bàn đô thị và nông thôn để có phương cách ứng xử phù hợp (hiện nay là đồng nhất), đặc biệt chú trọng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư cho công tác BVMT nông thôn; xác định từng nhóm chủ thể riêng biệt trên cùng một địa bàn nông thôn (nhóm gây ô nhiễm và nhóm bị ảnh hưởng, tác động do ô nhiễm; nhóm cần được ưu đãi hỗ trợ và nhóm cần áp dụng các biện pháp, chế tài có tính răn đe cao...).
Thứ ba, xác định rõ nguồn lực và quản lý quá trình thực hiện, không trông chờ vào ngân sách nhà nước, mà vận dụng tối đa mọi cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực trong xã hội, thu hút và kêu gọi đầu tư, từ việc phân định rõ trách nhiệm “người gây ô nhiễm phải trả tiền” để tìm ra phương thức đầu tư, vay vốn tín dụng, ưu đãi cho xây dựng cảnh quan, xử lý chất thải nông nghiệp và khu vực nông thôn. Kinh nghiệm thực tiễn từ hoạt động cấp nước sinh hoạt, phong trào trồng cây, trồng hoa, cải tạo các khu vực ô nhiễm thời gian qua đã cho thấy, nếu có cơ chế phù hợp, hoàn toàn có thể huy động được cộng đồng và khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn, mặc dù khó khăn hơn so với các vùng đô thị, công nghiệp khác.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nông thôn. Đã đến lúc nhận thức cộng đồng được nâng lên, trách nhiệm được phân định, hoạt động được phân công, phân cấp, nhưng khó khăn là thiếu công nghệ phù hợp, mà quan trọng nhất là công nghệ xử lý CTR (tập trung, phân tán, công nghệ hiện đại hay truyền thống…) và nước thải (chăn nuôi, sản xuất, sinh hoạt...); công nghệ canh tác nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...) an toàn, bền vững về môi trường. Do đó, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường, không phát sinh chất thải là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần áp dụng các biện pháp đủ mạnh, có tính răn đe trong giải quyết những xung đột về môi trường. Không thể mãi áp dụng đơn phương các biện pháp thuyết phục và hỗ trợ. Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, cần thiết song hành cả 2 công cụ (tuyên truyền và cưỡng chế), có như vậy các công cụ mới thực sự phát huy tác dụng.