Thứ năm, 07/03/2024 17:50

Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo về thị trường vốn Việt Nam

Việt Nam, một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 2 thập kỷ qua, đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi tỷ lệ tăng trưởng thực hàng năm vào khoảng 6,5% ổn định trong hơn 20 năm tới. Thị trường vốn với vai trò thành phần trung tâm của hệ thống tài chính sẽ đặc biệt quan trọng để giúp đạt được mục tiêu này. Thông qua báo cáo “Khai mở tiềm năng thị trường vốn Việt Nam”, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra một số khuyến nghị để cho các cơ quan hoạch định chính sách tham khảo.

Tiềm năng thị trường vốn Việt Nam

Báo cáo của WB cho biết, Việt Nam cần nguồn tài chính cho các dự án dài hạn, đặc biệt về cơ sở hạ tầng, với mức nhu cầu hàng năm ước khoảng 25 tỷ USD (7% GDP). Trong số này, chính phủ chỉ có thể cung cấp 2/3. Phần còn lại sẽ cần được cấp vốn bởi khu vực tư nhân thông qua các ngân hàng và để cấp vốn dài hạn thì đó là thông qua thị trường vốn. Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật số và nền kinh tế xanh cũng sẽ cần nguồn vốn đầu tư dài hạn to lớn.

Thị trường chứng khoán tăng trưởng từ 46% (năm 2012) lên 55% (năm 2022)  GDP.

Trong những năm vừa qua, thị trường vốn Việt Nam đã chứng tỏ khả năng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ những điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định. Tăng trưởng kinh tế vững mạnh, tỷ giá hối đoái ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, và giữ ổn định tài khoá đã dẫn đến tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2012-2022, trong đó thị trường chứng khoán tăng trưởng từ 46 lên 55% GDP, thị trường trái phiếu Chính phủ tăng từ 10 lên 23% GDP và trái phiếu doanh nghiệp nhảy vọt từ 2 lên 15% GDP.

Hạn chế của thị trường vốn Việt Nam

Mặc dù thị trường vốn của Việt nam đang bắt kịp các nước khác trong khu vực xét về quy mô, nhưng vẫn chưa thực hiện được hết các chức năng trọng yếu cho nền kinh tế. Mặc dù có quy mô vốn hoá thị trường lớn, nhưng lượng vốn trung bình hàng năm thực sự được huy động thông qua cổ phần trong vòng 5 năm qua chỉ đạt 88 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD). Trái phiếu chiếm phần lớn hơn với mức trung bình hàng năm là 244 nghìn tỷ đồng (10 tỷ USD) trái phiếu chính phủ và 386 nghìn tỷ đồng (16 tỷ USD) trái phiếu doanh nghiệp được phát hành. Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào hai nhóm ngành chính là: bất động sản và ngân hàng.

Việc huy động tiết kiệm vẫn còn ít thông qua các nhà đầu tư tổ chức. Tổng quy mô của các nhà đầu tư tổ chức của Việt Nam mới chỉ đạt 18% GDP trong năm 2021, thấp hơn so với các nước khác, cho thấy tiềm năng chưa được khai thác hết của thị trường vốn Việt Nam. Điều này hạn chế việc cung cấp vốn dài hạn, trong đó chỉ riêng lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ cần khoảng 2-4% GDP mỗi năm tính riêng phần của khu vực tư nhân. Tỷ lệ tham gia thấp của nhóm nhà đầu tư tổ chức cũng khiến làm giảm phạm vi đối với các nhà đầu tư có ít kinh nghiệm tham gia vào thị trường thông qua các trung gian thị trường chuyên nghiệp.

Dù khối lượng dữ liệu ngày càng tăng, những khoảng cách đáng kể vẫn tồn tại. Lợi tức trái phiếu chính phủ và các lãi suất thị trường tiền tệ chính thức không được sử dụng như các căn cứ định giá cho các tài sản khác. Thường có sự chênh lệch lớn giữa lãi suất liên ngân hàng và lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố trên thị trường tiền tệ, và giữa các mức giá trái phiếu chính phủ khi được phát hành thông qua đấu thầu và sau đó được giao dịch trên thị trường thứ cấp. Trên thị trường cổ phiếu, giá cả biến động và các giao dịch thường được thực hiện ở các mức giá cao là hậu quả của những khó khăn mà các nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt khi tìm kiếm các chứng khoán đủ điều kiện. Việc thiếu các thông tin đáng tin cậy hơn về giá làm cho việc phân bổ các nguồn lực kinh tế sẽ không hiệu quả.

Một vấn đề căn bản ở Việt Nam đó là kém phát triển cơ sở nhà đầu tư tổ chức, bao gồm cả việc chưa tận dụng được Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), một nguồn lực chủ đạo, tiềm năng trong việc thúc đẩy phát triển thị trường vốn. Quỹ BHXH cho đến nay là nhà đầu tư lớn trong nước với tài sản khoảng 820 nghìn tỷ đồng (34 tỷ USD, chiếm 10% GDP). Quỹ này còn lớn hơn cả ngành quỹ tương hỗ và bảo hiểm cộng lại. Tuy nhiên, quỹ đang được chỉ định đầu tư vào trái phiếu chính phủ bên cạnh phần gửi ngân hàng. Kết quả là 86% tài sản của Quỹ BHXH được đầu tư vào trái phiếu chính phủ và hiện quỹ đang nắm giữ đến 46% tổng trái phiếu chính phủ đang lưu hành. Sự vắng mặt của Quỹ BHXH vào thị trường chứng khoán doanh nghiệp càng bị tác động kép do hạn chế của ảnh hưởng các nhà đầu tư tổ chức khác. Các công ty bảo hiểm nhân thọ nắm giữ khoảng 474 nghìn tỷ đồng (20 tỷ USD) tài sản, chủ yếu tập trung vào trái phiếu chính phủ và tiền gửi ngân hàng. Các quỹ hưu trí tự nguyện cũng không có động lực khi thiếu những ưu đãi cho các khoản tiết kiệm dài hạn (như ưu đãi về thuế) và nhiều những hạn chế về quản lý khác. Các quỹ đầu tư đã hiện diện nhưng còn nhỏ và không thể cạnh tranh với các ngân hàng khi xét đến các mức lãi suất thấp từ trái phiếu chính phủ so với lãi suất ngân hàng, một phần là do thuế chưa ưu đãi. Việc đa dạng hoá đầu tư Quỹ BHXH ngoài trái phiếu Chính phủ sẽ hỗ trợ hiện đại hoá hệ thống tài chính hiện đại của Việt Nam.

Cải thiện tính minh bạch của thị trường

Hiện tại thị trường cổ phiếu Việt Nam được cả MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên (FM), nhưng đang trong quá trình xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM); nếu thành công, việc nâng hạng này có thể giúp thu hút lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài ổn định. Việt Nam không thể ở nhóm cận biên nếu muốn trở thành một nước có thu nhập cao, vì việc này sẽ cản trở việc tiếp nhận tài chính cần thiết để đạt được mức tăng trưởng mong muốn. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi có những cải thiện cụ thể đối với khả năng tiếp cận cũng như tính minh bạch của thị trường cổ phiếu, bao gồm những điểm sau:

Thứ nhất, loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch chứng khoán. Ký quỹ trước giao dịch có nghĩa là tiền mua chứng khoán được phong tỏa trong vòng vài ngày, gây cản trở cho việc tái cân bằng danh mục hiệu quả và tối ưu hoá giao dịch. Vấn đề này có thể được giải quyết trong một đề án mới về việc đưa ra mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) của Tổng Công ty Lưu ký Bù trừ Chứng khoán Việt Nam.

Thứ hai, việc tăng hoặc loại bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài cho các công ty niêm yết, hoặc các giải pháp để cải thiện tiếp cận đến cổ phần bị hạn chế này. Việc sẵn có cổ phần trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng do sở hữu nước ngoài chạm ngưỡng giới hạn, đây là trường hợp diễn ra với nhiều cổ phiếu hàng đầu của Việt Nam. Vấn đề này có thể được giải quyết bằng việc đưa ra chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.

Thứ ba, cải thiện về thực tiễn công bố thông tin, đặc biệt là bản dịch tiếng Anh của các thông báo và các tài liệu phải được đồng thời công bố với bản tiếng Việt.

Cải cách thị trường vốn

Cần đưa ra những cải cách để hỗ trợ việc trái phiếu chính phủ của Việt Nam được đưa vào các chỉ số trái phiếu thị trường mới nổi toàn cầu. Việc đa dạng hoá đầu tư Quỹ BHXH ngoái trái phiếu chính phủ có nghĩa là nhu cầu cho trái phiếu chính phủ ở trong nước sẽ giảm, khi các yếu tố khác không đổi. Trong khi đây có thể là quan tâm ngắn hạn, nhưng khi xét đến tiềm năng tăng chi phí của Chính phủ trong huy động vốn, việc đa dạng hoá đầu tư của quỹ BHXH sẽ giúp tăng tính bền vững về lâu dài và giảm trách nhiệm dự phòng của Chính phủ trong tương lai, khi bất kỳ sự thiếu hụt nào về nguồn vốn của quỹ BHXH đều phải được bù đắp bởi Chính phủ. Ngoài ra, việc giảm đầu tư của Quỹ BHXH vào các đợt phát hành của chính phủ cũng có thể được cân đối bởi sự hiện diện, hoặc thậm chí tăng lên, của các nhà đầu tư mới, bao gồm cả các nhà đầu tư không cư trú. Những nhà đầu tư này sẽ thấy hấp dẫn hơn với thị trường trái phiếu Chính phủ của Việt Nam nếu như các trái phiếu được đưa vào các chỉ số trái phiếu toàn cầu như Chỉ số JP Morgan Global Bond. Để được đưa vào những chỉ số này, một số những cải cách quan trọng mà Bộ Tài chính khởi xướng cần tiếp tục thực hiện, bao gồm: tạo ra đường cong lợi suất đáng tin cậy, với các trái phiếu chuẩn (benchmark) có đủ quy mô theo đường cong đó (kỳ hạn ngắn, trung bình, và dài); giảm phân mảnh (số lượng các trái phiếu), được hỗ trợ bởi quản lý nghĩa vụ nợ, bao gồm mua lại và chuyển đổi; và hệ thống giao dịch sơ cấp cải tiến, bao gồm cơ chế hỗ trợ thanh khoản cho các nhà tạo lập thị trường.

Theo ước tính, các biện pháp cải cách thị trường vốn đúng đắn có thể giúp đem lại trên 78 tỷ USD vốn và đầu tư mới cho đến năm 2030, chủ yếu cho khối doanh nghiệp. Việc cải cách cân bằng ở cả bên cầu (nhà đầu tư) và bên cung (công cụ) của thị trường vốn cần phải được thực hiện nếu muốn đạt được mức vốn mới như vậy. Về mặt cầu, ước tính rằng những cải cách về lĩnh vực quỹ hưu trí có thể giúp đem lại 25 tỷ USD vốn đầu tư vào các doanh nghiệp. Các công ty bảo hiểm và ngành quỹ đầu tư có thể lần lượt thêm vào 15 và 13 tỷ USD tương ứng. Những cải cách trên thị trường cổ phiếu, thúc đẩy và tận dụng khả năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi, có thể giúp mang lại 25 tỷ USD vốn đầu tư mới bởi các nhà đầu tư quốc tế. Những cải cách này cần được song hành với những cải thiện về phía cung, trong đó những cải thiện chỉ riêng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể giúp hấp thu khoảng 33 tỷ USD vốn đầu tư mới. Khi việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi và rồi việc tăng sự tham gia của các nhà đầu tư không cư trú vào thị trường trong nước có thể khiến Việt Nam có rủi ro chịu biến động trong tương lai từ nguồn vốn vào và ra của nước ngoài, thì việc đa dạng hoá các công cụ và nhà đầu tư có thể giúp giảm đi mức độ và tác động của bất kỳ sự biến động nào, trong khi vẫn duy trì các chính sách nâng cao sự hấp dẫn của thị trường.

VVH

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)