Thứ năm, 03/10/2024 14:03

Làn sóng trí tuệ nhân tạo, bán dẫn: Biến thách thức thành cơ hội

Trong khuôn khổ Ngày hội Đổi mới sáng tạo Quốc gia 2024 kết hợp Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn: Biến thách thức thành cơ hội”.

Lợi thế của Việt Nam trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra những lợi thế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay liên quan tới hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), gồm: có hệ thống chính trị ổn định và quyết tâm chính trị cao trong thúc đẩy ĐMST, các ngành công nghệ cao; có dân số hơn 100 triệu dân, đang trong thời kỳ dân số vàng, có thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết và có năng lực tiếp cận khoa học và công nghệ; đã lựa chọn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, AI trên cơ sở nghiên cứu tổng hợp từ thực tiễn khách quan; đã hình thành được một hệ sinh thái bán dẫn, AI có quy mô lớn trong khu vực với sự tham gia của Google, Meta, NVIDIA, AMD, Qualcomm, Intel, Amkor, Hana Micron, LAM Research, Marvell, Cadence, Synopsys, Qorvo, Ampere, Infineon và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử; đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp công nghệ cao và trong lĩnh vực bán dẫn, AI…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội thảo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng với vai trò Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đã bày tỏ mong muốn được lắng nghe những khuyến nghị, đề xuất, góp ý cụ thể về những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và AI, giúp Việt Nam tận dụng được cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bộ trưởng cũng tin tưởng sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và sự đồng hành của các tập đoàn công nghệ, tổ chức hàng đầu thế giới trong việc thúc đẩy, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, ĐMST, trong đó có lĩnh vực AI và bán dẫn.

Chủ động phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động triển khai rất nhiều các giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái ĐMST, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ; khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao trong lĩnh vực bán dẫn, AI. Việt Nam cũng đã và đang thúc đẩy hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI với các quốc gia, nền kinh tế phát triển trên thế giới. Thông qua việc mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác bán dẫn, AI uy tín trên thế giới, Việt Nam đã và đang thực hiện phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, từng bước đồng hành cùng các đối tác, doanh nghiệp để cùng bước vào bản đồ bán dẫn và AI thế giới. Theo đó, Chính phủ Hoa Kỳ đã lựa chọn Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia trên thế giới để tham gia Quỹ ĐMST và an ninh công nghệ (ITSI). Đây là sáng kiến thuộc Đạo luật Khoa học và Chips, cũng như đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và AI.

Tháng 09/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao NIC phối hợp cùng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại học bang Arizona khởi động và triển khai chương trình tại Việt Nam, với mục tiêu đào tạo hơn 4.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử vi mạch từ nay đến hết năm 2025. Đồng thời, Việt Nam cũng đang tích cực tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc)... để cùng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI. Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và AI.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch FPT Semicondutor trình bày một số quan điểm liên quan tới đào tạo, phát triển nguồn nhân lực AI, bán dẫn - đi lên từ cơ hội để giải quyết thách thức toàn cầu, trong đó khẳng định vai trò “then chốt” của nguồn nhân lực đối với lĩnh vực AI, bán dẫn cũng như cung cấp một số ứng dụng nâng cao hiệu quả đào tạo nhân lực AI, bán dẫn.

Ông Phạm Thành Lâm - Giám đốc Trung tâm AI và khoa học dữ liệu (VPBank) cho biết, với lợi thế ứng dụng dữ liệu lớn, AI ngay từ khi khởi đầu, đơn vị này đã trở thành ngân hàng số toàn diện, ứng dụng chuyển đổi số 100% và không có bất kỳ chi nhánh, phòng giao dịch vật lý nào. Toàn bộ hoạt động và nhu cầu tài chính của khách hàng được số hóa ngay trên ứng dụng ngân hàng số. Theo đó, ứng dụng này cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính cá nhân của lĩnh vực ngân hàng, bao gồm: chuyển khoản, thanh toán, tiết kiệm, liên kết đầu tư, cho vay tiêu dùng, mua trước - trả sau, thẻ tín dụng… cùng các dịch vụ sáng tạo khác như: phân phối vé, các hoạt động giải trí, du lịch, di chuyển… được tích hợp sẵn sàng trên cùng một nền tảng. VPBank tự xây dựng hơn 40 mẫu AI tiên tiến nhất, đưa vào từng khâu trong hoạt động vận hành. Đồng thời, VPBank đang phát triển mô hình ngôn ngữ lớn Cake LLM trong nhóm AI tạo sinh, phục vụ riêng cho tài chính ngân hàng và tiếng Việt. Đây có thể là ngân hàng số đầu tiên của Việt Nam sở hữu những mô hình tiên tiến này.

VH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)