Chủ nhật, 10/11/2019 15:23

Nhận diện vấn đề và đề xuất định hướng xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam trong bối cảnh mới

GS Nguyễn Tuấn Anh, TSKH Bạch Quốc Khang

 

Ban chủ nhiệm Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới

 

Trong gần 10 năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước và đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tạo nên bước ngoặt lớn trong phát triển nông thôn nước ta. Tuy nhiên, sự nghiệp xây dựng NTM trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều thách thức mới, cần có những giải pháp cụ thể nhằm hướng tới phát triển bền vững nông thôn Việt Nam.

Những kết quả nổi bật sau gần 10 năm xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Góp phần tăng sự hài lòng với cuộc sống của người dân nông thôn, tạo nền tảng ổn định chính trị - xã hội thông qua tăng thu nhập và giảm nghèo: theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đã tăng 2,8 lần, từ 12,8 triệu đồng năm 2010 lên 35,9 triệu đồng năm 2018; tỷ lệ nghèo ở nông thôn giảm từ 17,4% năm 2010 xuống còn 7,0% năm 2018. Cùng với tăng trưởng thu nhập nông thôn, người dân ngày càng cảm thấy hài lòng với cuộc sống, tạo nền tảng cho ổn định chính trị - xã hội. Chương trình MTQG xây dựng NTM đã có những đóng góp tích cực trong giảm tỷ lệ nghèo ở nông thôn. Phân tích tương quan giữa tỷ lệ hộ nghèo với mức độ đạt chuẩn trong xây dựng NTM qua khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho thấy, nhóm xã đạt chuẩn NTM có tốc độ giảm nghèo nhanh hơn nhóm xã chưa đạt chuẩn. Cụ thể, tỷ lệ nghèo ở các xã đạt chuẩn NTM đã giảm từ 10,5% năm 2010 xuống còn 6,1% năm 2018, trong khi ở các xã chưa đạt chuẩn tỷ lệ này chỉ giảm từ 20,3% năm 2010 xuống còn 17,4% năm 2018.

Diện mạo nông thôn khởi sắc, hạ tầng nông thôn thay đổi rõ rệt, nhận thức về NTM được nâng lên. Sau giai đoạn đầu (2010-2015) còn chập chững khởi động[1], giai đoạn 2 của xây dựng NTM (2016-2020) đã tập trung xử lý các vấn đề về hạ tầng và sinh kế của nông dân. Các tiêu chí về hạ tầng thủy lợi và thương mại tăng mạnh, từ mức rất ít các xã đạt được đến nay đã có trên 90% số xã đạt được các tiêu chí này. Ở hầu khắp các vùng quê, điều kiện giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, điều kiện học tập, khám chữa bệnh… đã được tăng cường mạnh mẽ. Đặc biệt, từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đến nay, cả nước đã hoàn thành khối lượng đường giao thông nông thôn hơn gấp 5 lần của giai đoạn 2001-2010, 99,4% tổng số xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã.

 Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Công nghiệp nông thôn tăng trưởng bình quân 12,2%/năm giai đoạn 2008-2017, cao hơn mức tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đã giảm mạnh từ 48,2 xuống còn 38,1% trong giai đoạn 2010-2018. Việc làm phi nông nghiệp của người dân nông thôn ngày càng phát triển. Theo điều tra của IPSARD năm 2019, thu nhập từ hoạt động nông lâm thủy sản chỉ chiếm 22% tổng thu nhập của nông hộ. Tại các xã đạt chuẩn NTM thì tỷ lệ này là 20%, thấp hơn so với các xã chưa đạt chuẩn NTM ở mức 24,1%. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Kinh tế hộ nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn hơn, hiệu quả cao hơn. Doanh nghiệp nông nghiệp phát triển nhanh[2]. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi phát triển đa dạng về hình thức và cấp độ, đã hình thành và được nhân rộng ở nhiều địa phương[3]. Trình độ khoa học và công nghệ (KH&CN) của nền nông nghiệp đã được nâng cao, công tác đào tạo nghề cho nông dân được đẩy mạnh.

            Xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, cách làm sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong xây dựng NTM. Sự sáng tạo này không chỉ ở một lĩnh vực, một chỉ tiêu mà ở hầu hết các lĩnh vực đều có những gương điển hình tiêu biểu, cách làm hay và trải rộng trên nhiều địa bàn. Đã xuất hiện nhiều điển hình tốt trong xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp (nổi bật là Nam Định). Bên cạnh đó, còn có nhiều mô hình điển hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả ở khắp các tỉnh trên cả nước trong xây dựng NTM. Những cách làm này đã góp phần tích cực tạo nên sự thành công của Chương trình MTQG xây dựng NTM, và trên hết góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người dân.

Thách thức trong phát triển bền vững nông thôn

Nông nghiệp, nông thôn nước ta trong 10 năm tới sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, chịu sự tác động mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển của KH&CN và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu... Điều đó đặt ra những thách thức và yêu cầu mới trong phát triển bền vững nông thôn như:

Sự biến đổi của kết cấu cư dân nông thôn gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Nông nghiệp sẽ chuyển đổi từ nền tảng kinh tế hộ nhỏ lẻ thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, HTX và doanh nghiệp. Một bộ phận lao động trẻ ở nông thôn sẽ tiếp tục “ly hương”, làm việc cho các khu công nghiệp, du lịch hoặc dịch vụ. Một số ngành nghề, dịch vụ mới được phát triển ngay ở nông thôn. Ngoài ra, sự phát triển của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa dẫn đến sự tập trung lao động ở các vùng ven đô, các khu vực phát triển công nghiệp đặt ra các thách thức về quản lý dân cư, an ninh trật tự và cơ sở hạ tầng đời sống. Xu hướng “hồi hương” của lực lượng lao động sau khi rời các nhà máy, khu công nghiệp sẽ trở thành một vấn đề cần được quan tâm trong tạo việc làm, thu nhập và chính sách xã hội ở khu vực nông thôn.

Thay đổi trong chức năng và đặc điểm của nông nghiệp. Công nghiệp hóa và đô thị hóa tiếp tục phát triển, đòi hỏi thêm không gian, lương thực, nước sạch và cạnh tranh các nguồn lực tự nhiên vốn đã khan hiếm, đặc biệt là tài nguyên đất và nước - nguồn lực chủ đạo cho sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp cần được tiếp tục cơ cấu lại và là động lực quan trọng cho tăng trưởng và đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước theo hướng bền vững. Cùng với đó, hội nhập kinh tế quốc tế và những thay đổi thể chế, chính sách về thị trường ngày càng rõ ràng và sâu rộng. Do vậy, nông nghiệp Việt Nam không thể tiếp tục duy trì lợi thế bằng khai thác tài nguyên và giá nhân công rẻ mà cần chuẩn bị sẵn sàng nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng.

Phát triển văn hóa, cộng đồng nông thôn phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa và đô thị hóa. Nông thôn Việt Nam vẫn tiếp tục là bệ đỡ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tiến trình phát triển bao trùm với kết nối nông thôn - đô thị. Quá trình đô thị hóa dưới tác động của hội nhập quốc tế đòi hỏi những yêu cầu mới, đặc biệt là vấn đề quy hoạch, phát triển cảnh quan, làng nghề, dịch vụ nông thôn, gắn với phát triển du lịch. Bảo tồn và phát triển “nông thôn trong lòng thành thị” trở thành yêu cầu trong quá trình xây dựng NTM ổn định và bền vững.

Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng đến môi trường nông thôn. Diễn biến thời tiết đang ngày càng phức tạp, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng lớn và nghiêm trọng hơn. Chính sách phát triển nói chung sẽ phải chuyển dần từ các mục tiêu kinh tế, ít chú trọng đến bảo vệ môi trường sang bảo vệ môi trường, phát triển cảnh quan nông thôn, bảo vệ môi trường sẽ trở thành tiêu chuẩn sống của mỗi người dân.

Yêu cầu của KH&CN trong quản trị và phát triển nông nghiệp. KH&CN đang có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, quản lý sản xuất, nâng cao năng suất, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đồng thời, các tiến bộ KH&CN cũng giúp cơ giới hóa, tự động hóa, giải phóng sức lao động. Đặc biệt, có thể tạo hướng đi mới để thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, liên kết quản lý chuỗi giá trị vốn là điểm nghẽn khó xử lý trong quá trình đẩy mạnh cơ cấu lại nền nông nghiệp ở nước ta.

Đề xuất định hướng phát triển trong thời gian tới

Kinh nghiệm phát triển nông thôn của các nước (tiêu biểu như Hàn Quốc và Trung Quốc) cho thấy, phát triển nông nghiệp, nông thôn cần gắn chặt với quá trình chuyển đổi cấu trúc kinh tế - xã hội nói chung theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, để các quốc gia tiến từ tình trạng chậm phát triển hoặc đang phát triển trở thành các nước phát triển. Tuy có xu hướng giảm dần về tỷ lệ tương đối của nền kinh tế trong dài hạn nhưng nông nghiệp, nông thôn có vai trò cực kỳ quan trọng đối với quá trình chuyển đổi cấu trúc nói chung. Vì vậy, xây dựng NTM là đòi hỏi mang tính tất yếu trong quá trình phát triển của đất nước. Để góp phần hoạch định chiến lược phát triển nông thôn trong giai đoạn tới, chúng tôi xin kiến nghị một số định hướng và giải pháp như sau:

Một là, xây dựng NTM phải hướng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Phát triển kinh tế nông thôn phải gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình tăng trưởng, dựa trên nền tảng của kinh tế tri thức. Tạo điều kiện để tăng trưởng toàn diện, tăng thu nhập, giải quyết tốt hơn vấn đề an ninh lương thực và anh ninh dinh dưỡng đối với nhóm nghèo và cận nghèo, đặc biệt tại các vùng khó khăn với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Hai là, phát triển nông thôn phải triển khai song song với đô thị hóa nông thôn bền vững và tăng cường liên kết nông thôn - đô thị; khai thác tối đa các nguồn lực từ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và các khu vực kinh tế trọng điểm cho xây dựng NTM. Đồng thời đổi mới cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực, tập trung cho các xã khó khăn; phát huy lợi thế của các vùng sâu, vùng xa; phát huy vai trò của nguồn lực xã hội, doanh nghiệp, người dân đối với các xã đã đạt chuẩn, thực hiện “xây dựng NTM không có điểm dừng” cho cả hai khu vực đã và chưa đạt chuẩn NTM.

Ba là, nâng cao năng lực sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng KH&CN và khởi nghiệp ở nông thôn; đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa và doanh nhân hóa nông dân, gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư doanh nghiệp. Biến văn hóa thành động lực mới cho xây dựng NTM. Xây dựng NTM cần gắn chặt với tăng cường phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Bốn là, bổ sung, hoàn thiện bộ tiêu chí quốc gia, đảm bảo tính bao trùm, tính mở, mức độ phân cấp phù hợp, hài hòa giữa các vùng miền, tộc người; gắn chặt với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Năm là, cần tập trung xây dựng những mô hình NTM đa dạng, điển hình, tiêu biểu, có tính đặc thù cho các vùng miền, tộc người, ngành nghề kinh tế, khu vực phát triển như: NTM chịu tác động mạnh của công nghiệp hóa, đô thị hóa; NTM có chức năng nông, lâm nghiệp, thủy sản thuần túy; NTM đặc thù văn hóa bản địa; NTM khu vực ven biển, miền núi, điều kiện khó khăn…

Sáu là, cần ưu tiên, tập trung cho Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM để giải quyết những vấn đề của giai đoạn sau năm 2020, cụ thể như: triển khai các mô hình chuyển đổi sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, an toàn, hữu cơ, bền vững thuận thiên, ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị gia tăng; xây dựng các mô hình NTM tương lai đặc trưng cho các vùng miền, tộc người, ngành nghề kinh tế.



[1]Đa số chỉ tập trung vào các yếu tố chính trị như quốc phòng, an ninh, thông tin và truyền thông, y tế, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.

[2]Đến tháng 12/2018 cả nước có 9.235 doanh nghiệp nông nghiệp, tăng 3,6 lần so với năm 2008.

[3]Đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 21.000 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)