
Toàn cảnh khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công nghệ cao đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước ta đã có những định hướng, quyết sách đúng đắn để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, quyết tâm đẩy nhanh ứng dụng và phát triển công nghệ cao ở trong nước, trong đó có phát triển các khu công nghệ cao. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) là khu công nghệ cao đầu tiên của nước ta, được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 1998 (diện tích 1.586 ha). Tiếp theo là Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 2002 (diện tích 913 ha). Sau khi Luật Công nghệ cao năm 2008 ban hành, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quyết định thành lập Khu Công nghệ cao Đà Nẵng năm 2010 (diện tích 1.128 ha) và Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai năm 2016 (diện tích 207 ha). Trên cơ sở hành lang pháp lý đã quy định tại Nghị định số 10/2024/NĐ-CP, ngày 1/2/2024 quy định về khu công nghệ cao, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 02 khu công nghệ cao được đầu tư hoàn toàn hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn vốn xã hội hóa, gồm Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội (199,03 ha) và Khu Công nghệ cao Hà Nam (663,19 ha).
Bốn khu công nghệ cao đầu tiên được thành lập đều chủ yếu sử dụng ngân sách nhà nước để giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đối với Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay ngân sách nhà nước đã cấp khoảng 13,6 nghìn tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách trung ương chiếm khoảng 16%). Khu Công nghệ cao Đà Nẵng có tổng nhu cầu vốn khoảng 8,8 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương đã cấp chiếm hơn 50%). Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai sử dụng toàn bộ vốn ngân sách địa phương để đầu tư với tổng nhu cầu vốn giai đoạn 1 khoảng 607 tỷ đồng. Khu Công nghệ cao Hoà Lạc có tổng nhu cầu vốn ngân sách nhà nước cho giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chung và hạ tầng kỹ thuật một số phân khu chức năng đến hết kế hoạch năm 2025 là khoảng 12,7 nghìn tỷ đồng (chủ yếu từ ngân sách trung ương, vốn vay ODA Nhật Bản và một phần từ ngân sách Thành phố Hà Nội sau khi nhận chuyển giao), hạ tầng kỹ thuật nội bộ một số phân khu chức năng sẽ được thu hút từ nguồn vốn xã hội hoá (ước tính khoảng 6,4 nghìn tỷ đồng).
Thu hút nguồn vốn xã hội hoá đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao
Việc được ngân sách nhà nước đầu tư là một ưu đãi quan trọng, tạo điều kiện tập trung đầu tư xây dựng các khu công nghệ cao nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát tiêu chí đầu vào của các dự án đầu tư, đồng thời các nhà đầu tư thực hiện dự án trong khu công nghệ cao cũng được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất. Tuy nhiên, kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghệ cao là rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước chưa bố trí vốn kịp thời để xây dựng đồng bộ đã dẫn tới việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ và thu hút đầu tư.
Chủ trương “xã hội hóa” đã được coi là một phương hướng chiến lược để thực hiện đổi mới trong các lĩnh vực khoa giáo. Các hàng lang pháp lý về việc thu hút nguồn vốn xã hội hoá trong đầu tư hạ tầng khu công nghệ cao được thể hiện tại Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ về ban hành Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao; Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003 của Chính phủ về ban hành Quy chế khu công nghệ cao.
Khu Công nghệ cao Hoà Lạc là khu công nghệ cao đầu tiên có doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật phân khu chức năng từ năm 2006. Đến nay, tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc đã có 03 doanh nghiệp tham gia xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các phân khu chức năng, với tổng số vốn khoảng 3,6 nghìn tỉ đồng. Một số phân khu chức năng còn lại cũng đang kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp.

Một góc Khu Công nghệ cao Hoà Lạc.Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Việc thu hút nguồn vốn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật phân khu chức năng giúp giảm áp lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, tuy nhiên cũng dẫn tới một số khó khăn trong việc kết nối hạ tầng, quản lý, duy tu và vận hành các công trình hạ tầng; hoặc tuyển chọn, cấp phép các dự án đầu tư thứ cấp… Để giải quyết các vấn đề vướng mắc, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2017/NĐ-CP ngày 20/06/2017 về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, trong đó có các chính sách về quản lý đất đai, thu hút đầu tư và quản lý hạ tầng để giải quyết bất cập và phù hợp với mô hình khu công nghệ cao đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bằng cả nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn doanh nghiệp. Các chính sách liên quan đến ưu đãi về đất đai, tiền giải phóng mặt bằng hoàn trả tiếp tục được đề xuất phù hợp tại Nghị định 35/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ Quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế, khu công nghệ cao.
Từ mô hình thực tiễn đã triển khai tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, Nghị định số 10/2024/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/02/2024 quy định về khu công nghệ cao đã có các hành lang pháp lý để cụ thể hóa chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao và các quy định về điều kiện đầu tư, hoạt động đầu tư, quản lý nhà nước đối với mô hình đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao nhằm phù hợp với tính chất hoạt động của khu công nghệ cao và đảm bảo thu hút đầu tư đồng thời với đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước và sự phát triển đúng định hướng của khu công nghệ cao, trong đó có mô hình mới là khu công nghệ cao được đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn vốn xã hội hóa. Bên cạnh đó, các chính sách liên quan đến quản lý sử dụng và ưu đãi đất đai đối với mô hình đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao cũng đã được cơ bản đồng bộ tại các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024.
Định hướng phát triển các khu công nghệ cao bằng nguồn vốn xã hội hóa
Để đảm bảo phục vụ các hoạt động công nghệ cao, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao phải được quy hoạch, thiết kế và xây dựng hiện đại, đồng bộ, thân thiện môi trường, định hướng theo tiêu chuẩn đô thị thông minh. Đối với trường hợp không có sự hỗ trợ của vốn ngân sách nhà nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao có thể được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, với các yêu cầu cụ thể về đầu tư xây dựng. Để đáp ứng nhu cầu này, nhà đầu tư phải thực sự có tiềm lực tài chính mạnh mẽ và đáp ứng nhiều điều kiện liên quan, trong đó có các tiêu chí về công nghệ cao (do cơ quan quản lý nhà nước xem xét). Vì vậy, dù đã có các chính sách ưu đãi nhưng việc thu hút các nhà đầu tư hạ tầng đủ năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính không dễ dàng.
Ngược lại, việc thu hút được nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính để phát triển hạ tầng khu công nghệ cao sẽ tận dụng được tính linh hoạt, chủ động của doanh nghiệp để đáp ứng tiến độ, hoàn thành đồng bộ, chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong điều kiện còn có một khoảng cách khá xa giữa nhu cầu hạ tầng kỹ thuật cho các khu công nghệ cao và khả năng bố trí của ngân sách nhà nước. Mô hình khu công nghệ cao được đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa còn có nhiều điểm thuận lợi hơn so với khu công nghệ cao đầu tư một phần bằng vốn ngân sách nhà nước do đảm bảo tính chủ động của chủ đầu tư hạ tầng trong các hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác hạ tầng; hạn chế được một số chồng chéo, bất cập do cần khớp nối hai hệ thống hạ tầng do nhà nước đầu tư và doanh nghiệp đầu tư. Phương án kinh doanh hạ tầng cũng thuận lợi hơn do chủ đầu tư trực tiếp cho thuê lại đất đối với nhà đầu tư thứ cấp (đối với khu công nghệ cao đầu tư một phần bằng vốn ngân sách nhà nước, nhà đầu tư thứ cấp thuê hạ tầng của chủ đầu tư hạ tầng nhưng thuê đất trực tiếp từ Nhà nước).
Hai khu công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2024 (Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội và Khu Công nghệ cao Hà Nam) là 02 khu công nghệ cao đầu tiên được đề xuất đầu tư hoàn toàn hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội: Trước khi thành lập đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xác định chủ đầu tư hạ tầng và hiện đang tập trung hoàn thành các công tác quy hoạch và giải phóng mặt bằng.Tổng vốn đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng khu công nghệ cao này được xác định khoảng 5,9 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn của chủ đầu tư hạ tầng2, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự kiến khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng (do chủ đầu tư hạ tầng tự nguyện ứng trước), dự kiến năm 2029 sẽ hoàn thành đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
Khu Công nghệ cao Hà Nam: Trong giai đoạn lập đã có thư kêu gọi và nhận được đề xuất của một số nhà đầu tư tiềm năng, tuy nhiên, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam còn cần thực hiện các bước lựa chọn chính thức chủ đầu tư hạ tầng và triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư khácDự kiến vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn của doanh nghiệp, khoảng 8,8 nghìn tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1,9 nghìn tỷ đồng do nhà đầu tư hạ tầng ứng vốn và được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật).
Có thể thấy, việc hình thành và phát triển các khu công nghệ cao được đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa trong giai đoạn hiện nay là sự cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa đầu tư cho khoa học và công nghệ của Đảng và Nhà nước. Sự quan tâm của các nhà đầu tư có đủ tiềm lực về vốn và kinh nghiệm bước đầu khẳng định hướng đi phù hợp của các chính sách. Tuy nhiên, đây là một mô hình mới, đòi hỏi cần được triển khai và liên tục đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn để có các giải pháp điều chỉnh phù hợp, tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh.
1Theo quy định tại Luật Công nghệ cao và Luật Công nghệ thông tin, có ba loại hình khu công nghệ cao gồm: khu công nghệ cao (quy định tại Điều 31 Luật Công nghệ cao), khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (quy định tại Điều 32 Luật Công nghệ cao) và khu công nghệ thông tin tập trung (quy định tại Điều 51 Luật Công nghệ thông tin). Trong khuôn khổ bài viết này, đối tượng khu công nghệ cao là các khu công nghệ cao được xác định tại Điều 31 Luật Công nghệ cao.
2Năm 2008, UBNDThành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài thành lập pháp nhân tại Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội trên cơ sở chấp thuận chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng của Thủ tướng Chính phủ theo Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.