Thứ sáu, 14/02/2025 16:49

Đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có tờ trình đề nghị nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách mới để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Việc xây dựng Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý để tác động một cách tích cực, hiệu lực và hiệu quả tới hoạt động KH,CN&ĐMST, qua đó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh, an toàn cho quốc gia, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đưa KH,CN&ĐMST thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đạt mục tiêu kép của quốc gia vào năm 20301 và 2045 như Đại hội XIII đã đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp về việc thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (nguồn: qdnd.vn).

Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ

Mục tiêu của chính sách nhằm thúc đẩy phát triển, nâng cao vai trò, năng lực, tính tự chủ, chủ động của tổ chức nghiên cứu và phát triển. Tạo cơ hội cho viên chức thuộc tổ chức KH&CN có quyền lợi, thu nhập từ việc tham gia điều hành doanh nghiệp. Thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển nguồn nhân lực KH,CN&ĐMST. Thu hút được các chuyên gia giỏi là chuyên gia, người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài tham gia vào các nhiệm vụ khoa học và phát triển công nghệ và các hoạt động KH,CN&ĐMST khác tại Việt Nam.

Nội dung của chính sách nhằm hoàn thiện quy định về cơ chế tự chủ đặc thù của tổ chức nghiên cứu KH&CN. Đồng thời, cho phép các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu; hoàn thiện quy định về miễn thị thực và miễn giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Giải pháp thực hiện chính sách được đề xuất: Quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu KH&CN theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; được sử dụng ngân sách nhà nước thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác KH&CN với các tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, quy định cho phép các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu. Quy định miễn thị thực và miễn giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực công nghệ cao, nhiệm vụ KH&CN đặc biệt mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không thực hiện được.

Các giải pháp chính sách khi triển khai cụ thể sẽ thành các quy định năng lực của tổ chức KH&CN, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quản lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức KH&CN. Đồng thời, thu hút nguồn nhân lực tham gia hoạt động KH,CN&ĐMST.

Thúc đẩy cơ chế đầu tư, tài chính trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Mục tiêu của chính sách nhằm huy động nguồn đầu tư, tài chính cho KH,CN&ĐMST. Phân bổ, sử dụng hiệu quả, phù hợp kinh phí dành cho KH,CN&ĐMST; nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ trong lĩnh vực KH&CN. Khơi thông các vướng mắc liên quan đến tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước.

Nội dung của chính sách: Bổ sung các quy định để thu hút đầu tư cho KH,CN&ĐMST; hoàn thiện quy định về quỹ phát triển KH&CN quốc gia, quỹ phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để nâng cao hiệu quả hoạt động; hoàn thiện quy định về khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN; đề xuất chính sách chuyển giao quyền đối với tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước.

Các giải pháp thực hiện chính sách: Quy định nguyên tắc kinh phí nhà nước cấp cho nhiệm vụ KH&CN thông qua quỹ. Theo đó, kinh phí nhà nước cấp hằng năm cho quỹ KH&CN bao gồm kinh phí cho các nhiệm vụ mở mới và chuyển tiếp, được cấp bằng lệnh chi tiền vào tài khoản tiền gửi của quỹ tại Kho bạc nhà nước. Đồng thời, dự toán dành cho các nhiệm vụ mở mới được xác định dựa trên cơ sở dự kiến số lượng và kinh phí trung bình của các nhiệm vụ sẽ được phê duyệt trong năm kế hoạch.

Quy định các trường hợp khi mua sắm hàng hóa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN không phải áp dụng quy trình, thủ tục theo quy định của Luật Đấu thầu, bao gồm: mua sắm khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN thuộc phần kinh phí được giao khoán của nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; mua sắm không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ KH&CN của cá nhân, tổ chức tham gia nhiệm vụ KH&CN mà không phải là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập...

Quy định sử dụng quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp cho các nội dung sau: đặt hàng, mua sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện mua bán, sáp nhập, đầu tư, cùng đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hình thành, tham gia góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; hình thành, phát triển các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Quy định các quỹ trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST được thành lập theo quy định của pháp luật KH&CN, đồng thời xác định các quỹ này không phải là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Quy định các quỹ trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau như ngân sách nhà nước cấp ban đầu, kinh phí bổ sung hằng năm, đóng góp của doanh nghiệp, khoản hiến tặng của tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác. Trong đó, Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia và quỹ của các bộ, ngành, địa phương được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho KH&CN, cùng với sự đóng góp từ nhiều nguồn khác. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, được hình thành từ nguồn đầu tư công, chi thường xuyên, kết dư từ Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp, kết quả hoạt động của quỹ và các khoản đóng góp hợp pháp.

Chính sách được lựa chọn sẽ mang lại nhiều tác động tích cực, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quản lý, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư, tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.

Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Mục tiêu của chính sách nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc nâng cao thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp lý về thị trường KH&CN và các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN.

Nội dung của chính sách: Bổ sung các ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp; tăng cường kết nối doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học. Xây dựng hành lang pháp lý cho Quỹ đầu tư mạo hiểm.

Các giải pháp thực hiện chính sách: hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng:

Ưu đãi cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp: Quy định dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức đổi mới sáng tạo, tổ chức nghiên cứu và phát triển, cũng như các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020. Đồng thời, quy định thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập chịu thuế khác do các tổ chức này chi trả, cũng như thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ KH&CN, được hưởng chính sách ưu đãi thuế. Ngoài ra, quy định mở rộng ưu đãi (trong Luật Đầu tư) cho các tổ chức có sản phẩm KH&CN, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu trong nước sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam khi tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ.

Ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Quy định dự án, trung tâm đổi mới sáng tạo được miễn thuế đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định, hàng hoá nhập khẩu sử dụng trực tiếp cho đổi mới sáng tạo, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: Quy định doanh nghiệp có các khoản chi thực tế liên quan đến sản xuất, kinh doanh, giáo dục nghề nghiệp, quốc phòng, an ninh, bao gồm cả đầu tư, tài trợ cho KH,CN&ĐMST, được hưởng các ưu đãi thuế. Thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo được miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% thuế tối đa 9 năm tiếp theo. Doanh nghiệp KH&CN hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% thuế trong 9 năm sau khi được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, mà không bị trừ đi các ưu đãi thuế đã nhận trước đó. Nếu doanh nghiệp có kết quả KH&CN mới được bổ sung vào Giấy chứng nhận, các sản phẩm từ kết quả này tiếp tục hưởng mức ưu đãi thuế theo quy định ngay từ thời điểm bổ sung.

Ưu đãi thuế thu nhập cá nhân: Bổ sung loại hình thu nhập được miễn thuế bao gồm thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước.

Ưu đãi miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất: Bổ sung trường hợp sử dụng đất vào mục đích ứng dụng, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN cho doanh nghiệp KH&CN. 

Giải pháp thực hiện chính sách sẽ mang lại nhiều tác động tích cực, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, góp phần thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đưa nghiên cứu gắn với thị trường, tạo ra hàng hóa phục vụ xã hội.

CT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)