Thứ hai, 10/02/2025 07:57

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về năng lượng nguyên tử

Ngày 06/02/2025, tại Hà Nội, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp với các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ tổ chức Hội thảo “Góp ý hoàn thiện chính sách, pháp luật năng lượng nguyên tử”, nhằm hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ IX vào tháng 05/2025.

Ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, chính sách đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử đã được đề ra từ Hội nghị Trung ương 2 (khóa VIII) và được cụ thể hóa tại Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình (Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ), với việc thông qua Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng, chiến lược của Chính phủ, qua đó hình thành nên hệ thống pháp luật về năng lượng nguyên tử ngày một hoàn thiện.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định phát biểu khai mạc Hội thảo.

Sau hơn 16 năm thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử đã thực sự phát huy được vai trò là cơ sở pháp lý để các tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam. Luật Năng lượng nguyên tử đã góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các ngành, các cấp, cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và người dân về ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như là căn cứ để các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương và địa phương quản lý an toàn, an ninh, chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.

Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã khẳng định vai trò quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân và căn cứ pháp lý vững chắc để Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố chỉ đạo các Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng nguyên tử trên địa bàn tỉnh.

Nhiều bất cập cần sửa đổi

Thứ trưởng Lê Xuân Định cho rằng, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, nhiều nội dung của Luật Năng lượng nguyên tử đã không còn phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ nói chung, lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói riêng, cũng như việc sửa đổi, bổ sung của nhiều luật có liên quan đến việc thi hành Luật Năng lượng nguyên tử phát sinh sự chồng chéo trong chức năng quản lý của một số bộ ngành; thiếu tính khả thi, chưa phù hợp tình hình mới, gây khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện.

Để khẩn trương hoàn thiện dự thảo luật, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và các đơn vị liên quan tích cực, khẩn trương xây dựng dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và đã hoàn thành dự thảo sơ bộ của luật. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của luật, đặc biệt kịp thời phục vụ triển khai dự án điện hạt nhân, rất cần sự tham gia, chung tay góp sức của các bộ/ngành, các nhà quản lý, nhà khoa học.

Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Nguyễn Tuấn Khải phát biểu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Tuấn Khải - Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho rằng, qua thực tiễn thi hành Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, một số chính sách, quy định của luật đã bộc lộ bất cập, hạn chế, từ đó phát sinh sự chồng chéo trong chức năng quản lý với một số bộ/ngành; đồng thời chưa phù hợp với các hướng dẫn chung của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Để hoàn thiện chính sách trong Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi, cần thúc đẩy sự phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; vấn đề đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh hạt nhân, cũng như các hoạt động phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; có cơ chế cho hoạt động thanh tra, thanh sát hạt nhân; nhóm giải pháp về quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; giải pháp nâng cao năng lực ứng phó sự cố bức xạ và trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.

TS Lê Đức Nguyên - Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương báo cáo tham luận tại Hội thảo.

Đồng tình với nhóm giải pháp trên, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử, PGS.TS Vương Hữu Tấn - Nguyên Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, TS Lê Đức Nguyên - Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đều cho rằng, đối với Việt Nam, ngoài các quy định về đảm bảo an toàn, an ninh, Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi cần tham khảo thêm kinh nghiệm của các quốc gia có ngành công nghệ điện hạt nhân phát triển để xây dựng cơ chế và chính sách cho phù hợp với thực tiễn trong nước, qua đó góp phần triển khai thuận lợi dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam.

Phong Vũ

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)