Tiềm năng phát triển nguồn dược liệu quý
Nhiều năm qua, Thành phố Huế đã tập trung đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ (KH&CN) để phát triển dược liệu, đồng thời bảo tồn và khai thác một cách bền vững nguồn dược liệu tự nhiên quý hiếm của địa phương. Đặc biệt là gắn với việc phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo dựng vùng nguyên liệu rộng lớn. Đồng thời, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.
Với điều kiện địa hình đa dạng (núi rừng, gò đồi, đồng bằng duyên hải, đầm phá và vùng biển ven bờ), Thành phố Huế có hệ sinh thái phong phú và đa dạng sinh học ở 3 mức: đa dạng hệ sinh thái, đa dạng loài và đa dạng nguồn gen. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển nguồn dược liệu phong phú về chủng loại lẫn công dụng. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương và các chương trình/dự án, hiện diện tích cây dược liệu được trồng tại Huế đã lên đến khoảng 315,35 ha; tập trung tại các địa phương như A Lưới, Nam Đông (nay là Phú Lộc sau sáp nhập), Phong Điền, Quảng Điền với những loài cây dược liệu quý như: sa nhân, ba kích, đinh lăng, hà thủ ô, thổ phục linh, sâm cau... Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.600 loài cây thuốc, chiếm hơn 30% tổng số loài của cả nước.

Cây sâm Bố Chính được trồng ở xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới.
Tuy nhiên, ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất còn thấp, chủ yếu là theo kinh nghiệm thực tế. Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đầu tư máy móc thiết bị, hoàn thiện bao bì, mẫu mã dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao. Đây là vấn đề cần phải giải quyết để có thể tăng quy mô trồng dược liệu tại địa phương.
Trong các vùng đang được Huế ưu tiên phát triển cây dược liệu, huyện A Lưới là nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cùng với dư địa rộng lớn. Nhằm khai thác và phát triển tiềm năng sẵn có, UBND huyện A Lưới đã sử dụng 360 ha đất tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển thành vùng trồng cây dược liệu theo lộ trình phát triển từ giai đoạn 2021-2025. Dự án này thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn I), với tổng ngân sách 229 tỷ đồng. Các loại thảo dược chủ yếu được canh tác gồm ba kích, bách hộ, cà gai leo, hà thủ ô, hoài sơn, mạch môn, nhân trần, sa nhân tím, sâm bố chính, thiên niên kiện, xạ can... Đặc biệt, ít nhất 50% lao động tham gia dự án sẽ là người dân tộc thiểu số.
UBND Thành phố Huế cũng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu xây dựng Đề án Quy hoạch vùng nguyên liệu dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái, trên cơ sở thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp quy hoạch và phát triển tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái khác nhau của tỉnh Thừa Thiên Huế” đã được nghiệm thu. Qua đó, một số diện tích rừng tự nhiên đã giao cho các cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ đã được các dự án hỗ trợ trồng cây dược liệu ba kích, thiên niên kiện, tràm gió, gừng gió và một số loài dược liệu khác. (Dự án Trường Sơn Xanh đã hỗ trợ trồng diện tích 468 ha, gồm: 42 ha ba kích, 415 ha thiên niên kiện và 11 ha tràm gió; Dự án Sida (Thụy Điển) hỗ trợ các cộng đồng trồng 14 ha gừng gió dưới tán rừng tự nhiên tại 3 xã thuộc huyện A Lưới và Nam Đông. Tất cả các mô hình đều được chăm sóc, quản lý tốt và sẽ được khai thác, sử dụng trong thời gian tới. Một số địa phương vận động trồng cây dược liệu quy mô hộ gia đình, cũng như chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch sử dụng đất thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng; trong đó, ưu tiên phát triển các vùng dược liệu tiềm năng trên địa bàn thị xã như: Hương Bình, Bình Tiến, Bình Thành (Hương Trà), Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Vinh và Quảng Thọ (Quảng Điền).
Chính sách phát triển kinh tế từ nguồn tài nguyên dược liệu
Nhằm nâng cao năng suất và thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, Thành phố Huế đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cải thiện chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Một số chính sách tiêu biểu như: Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1622/QĐ-UBND ngày 06/7/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Đề án Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030.
Theo đó, trong năm 2023, ngoài việc tiếp tục cải thiện thể chế và chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân tham gia vào phát triển dược liệu, Thành phố Huế cũng sẽ ưu tiên lựa chọn một số loại cây dược liệu và các khu vực trồng phù hợp. Đồng thời, sẽ xây dựng các trục văn hóa - thảo dược nhằm phát triển các sản phẩm dược liệu kết hợp với Chương trình OCOP tại Thành phố. Ngoài ra, việc phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm dược liệu cũng sẽ được tập trung, nhằm góp phần tạo ra nguồn sinh kế bền vững cho bà con.
Từ năm 2020 đến nay, Thành phố Huế đã triển khai 17 đề tài KH&CN liên quan đến dược liệu. Các nghiên cứu này chủ yếu xoay quanh việc lựa chọn loài cây tiềm năng để phát triển nguồn nguyên liệu làm thuốc, quy hoạch và bảo tồn tài nguyên dược liệu, hoàn thiện quy trình nhân giống, sản xuất, trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và chế biến. Ngoài ra, các đề tài còn tập trung xây dựng mô hình trồng dược liệu theo tiêu chuẩn an toàn sinh học như GACP và VietGAP, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu đạt chất lượng cao. Có thể kể đến như: đề tài “Đánh giá tài nguyên cây thuốc và tri thức bản địa về các loài cây dược liệu phục vụ phát triển công nghiệp hóa dược tỉnh Thừa Thiên Huế”, đã xác định danh mục và tri thức bản địa của 200 loài cây thuốc tại thành phố Huế, trong đó đã xác định 20 loài cây thuốc tiềm năng. Một số kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở để thành phố tham khảo, ban hành chủ trương phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở Thành phố Huế đến năm 2030 tại Quyết định số 1622/QĐ-UBND ngày 06/7/2020.
Một số nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN để nhân giống, nuôi trồng và phát triển các cây dược liệu có sẵn của địa phương để tạo ra sản phẩm có khối lượng lớn như:
Dự án “Xây dựng mô hình phát triển một số cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên dựa vào cộng đồng dân cư xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế” xây dựng 4 quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế và bảo quản cho 4 loài dược liệu (thổ phục linh, thiên niên kiện, ba kích, sâm cau) dưới tán rừng tự nhiên, đồng thời xây dựng 4 mô hình trồng thực nghiệm cho 4 loài dược liệu dưới tán rừng tự nhiên xã Phong Mỹ, Phong Điền.
Dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây atiso đỏ tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế”, bước đầu đã xây dựng thành công quy trình sản xuất giống atiso đỏ và quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc atiso đỏ; thời gian tới sẽ xây dựng mô hình trồng, chăm sóc cây atiso đỏ đạt tiêu chuẩn VietGap với quy mô 5 ha tại Phong Điền.
Dự án “Xây dựng mô hình trồng và chăm sóc cây ba kích tím, cây tràm gió in vitro phục vụ phát triển vùng nguyên liệu dược liệu tỉnh Thừa Thiên Huế” đã hoàn thiện 2 quy trình nhân giống in vitro ba kích tím và tràm gió, sắp tới tiếp tục hoàn thiện quy trình huấn luyện cây con in vitro và 2 quy trình trồng, chăm sóc cây ba kích tím và tràm gió, đồng thời xây dựng vườn cây giống ba kích tím, cây tràm gió với quy mô 0,5 ha, 200.000 cây; xây dựng 1 mô hình trồng ba kích tím quy mô 1 ha tại huyện Nam Đông và 1 mô hình trồng tràm gió quy mô 1 ha tại huyện Quảng Điền.
Dự án “Xây dựng mô hình trồng và sản xuất thử nghiệm sản phẩm chất lượng cao từ cây Xuyên tâm liên (Andrographis paniculata) phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phát triển dược liệu tỉnh Thừa Thiên Huế”, nhằm khôi phục và phát triển các sản phẩm từ dược liệu xuyên tâm liên trên địa bàn Thành phố. Kết quả dự án sẽ hoàn thiện 1 quy trình nhân giống, 1 quy trình trồng, chăm sóc và thu hái cây dược liệu xuyên tâm liên; xây dựng 2 mô hình trồng, chăm sóc và thu hái cây xuyên tâm liên quy mô 2.000 m2/mô hình tại Hương Trà và Phong Điền.

PGS.TS. Trương Thị Bích Phượng (giữa) - Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu phát triển nguồn nguyên liệu và sản phẩm trà từ cây gừng đen (Distichochlamys spp.) tại Thừa Thiên Huế”.
Đề tài “Nghiên cứu phát triển nguồn nguyên liệu và sản phẩm trà từ cây gừng đen (Distichochlamys spp.) tại Thừa Thiên Huế”, nghiên cứu các quy trình trồng, chăm sóc cây gừng đen, đồng thời xây dựng mô hình sản xuất cây giống (8.000-10.000 cây giống) của 2-3 loài gừng đen tại Thành phố Huế, xây dựng mô hình trồng và chăm sóc cây gừng đen ở vườn trồng (quy mô 0,1 ha) và dưới tán rừng tự nhiên (quy mô 3 ha).
Ngoài ra, các hoạt động như xây dựng và hoàn thiện quy trình nhân giống, sản xuất giống; trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến, cũng như xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu cũng được thực hiện. Qua đó, giúp bà con tiếp cận các tiến bộ KH&CN, thúc đẩy việc chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sống và làm giàu bền vững từ cây dược liệu.
Cùng với việc phát triển vùng nguyên liệu, các nhiệm vụ KH&CN cũng tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến sản phẩm dược liệu và thực phẩm chức năng, bao gồm các công nghệ như thu tinh dầu, tách chiết sản xuất viên nang, cao chiết… Những sản phẩm đầu tiên từ các nghiên cứu này đã được thương mại hóa, bao gồm viên nang xuyên tâm liên, cao xuyên tâm liên, trà gừng đen, trà lan kim tuyến túi lọc, trà hòa tan sâm Bố Chính, nước uống sâm Bố Chính, cũng như các sản phẩm từ atiso đỏ như nước giải khát, mứt sấy dẻo, trà túi lọc, siro… Đây chính là những tín hiệu tích cực để tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh của một địa phương giàu có tiềm năng về dược liệu. Đồng thời, mang lại thu nhập, phát triển kinh tế, góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.