Trong bối cảnh kinh tế đang biến động mạnh mẽ và biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, việc tìm kiếm một mô hình phát triển bền vững trở thành ưu tiên chiến lược của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam. Để đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao trong vài thập kỷ tới, Việt Nam không chỉ cần tăng trưởng nhanh, mà còn phải tăng trưởng “xanh” và “bền vững”. Để làm được điều đó, hai yếu tố then chốt quyết định triển vọng phát triển dài hạn chính là cải cách thể chế mạnh mẽ và đẩy nhanh ứng dụng công nghệ phục vụ tăng trưởng xanh.
Thể chế - Nền tảng cho bước chuyển chiến lược
Ông James Anderson - Chuyên gia trưởng về khu vực công của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, thể chế là cách thức các luật lệ, quy định, quy trình và hệ thống vận hành để Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và toàn diện, từ đó hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Ông James Anderson - Chuyên gia trưởng về khu vực công của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.
Việt Nam trong 3 thập niên qua đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội ấn tượng, nhờ sự hội nhập quốc tế sâu rộng, dân số trẻ và nguồn nhân lực cần cù. Tuy nhiên, ông James Anderson cảnh báo rằng, những động lực tăng trưởng truyền thống như lao động giá rẻ, đầu tư công lớn và khai thác tài nguyên đang dần cạn kiệt. Để vượt qua "bẫy thu nhập trung bình", Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào mô hình phát triển cũ, mà phải tiến hành một cuộc “đột phá” về thể chế tức là thay đổi căn bản cách thức quản trị, vận hành nền kinh tế và cách thức tương tác giữa chính phủ với người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Theo ông James Anderson, cải cách thể chế ở Việt Nam nên tập trung vào 3 trụ cột chính. Một là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước thông qua tinh giản thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng dịch vụ công và áp dụng công nghệ số trong quản lý. Hai là tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đặc biệt trong các lĩnh vực như đầu tư công, tài chính, đất đai và môi trường. Ba là xây dựng một hệ sinh thái pháp lý ổn định, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và phát triển khu vực tư nhân.
Với tầm nhìn chiến lược, ngày 30/04/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới trong đó có nhiệm vụ xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, tiếp thu có chọn lọc giá trị tinh hoa của nhân loại, bảo đảm tính hệ thống, nắm bắt mọi cơ hội, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển.
Theo ông James Anderson, việc cải cách thể chế không phải là một lộ trình dễ dàng, nhưng là lựa chọn đúng đắn và chiến lược. Nếu nắm bắt được cơ hội, tận dụng được các nguồn lực quốc tế và khơi dậy nội lực trong nước, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một mô hình phát triển mới, dẫn tới một tương lai thu nhập cao và bền vững trong thế kỷ 21.
Tăng trưởng xanh - Hướng đi không thể trì hoãn
Bên cạnh cải cách thể chế, một thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt là biến đổi khí hậu. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất từ nước biển dâng, nhiệt độ tăng, thiên tai cực đoan và các hệ quả liên đới đến an ninh năng lượng, an ninh lương thực và môi trường.
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn, mà là con đường tất yếu nếu Việt Nam muốn duy trì sự phát triển dài hạn. Theo bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng xanh chính là việc kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, thông qua sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng các mô hình sản xuất - tiêu dùng bền vững.
Các báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nếu Việt Nam không thực hiện các bước chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ, GDP có thể giảm đáng kể trong những thập kỷ tới do tác động của khí hậu. Ngược lại, nếu áp dụng chiến lược phát triển xanh đúng hướng và hiệu quả, Việt Nam có thể duy trì mức tăng trưởng cao trong khi vẫn bảo đảm phúc lợi xã hội và môi trường sống cho thế hệ tương lai.
Để hiện thực hóa tầm nhìn về phát triển bền vững, không thể thiếu vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi mọi lĩnh vực đời sống thì việc ứng dụng công nghệ tiên tiến chính là con đường ngắn nhất để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi xanh và nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Tại Việt Nam, đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực môi trường, năng lượng, nông nghiệp... Tuy nhiên, để các sáng kiến này phát triển mạnh mẽ và lan tỏa, cần có môi trường chính sách thuận lợi hơn, hỗ trợ tài chính mạo hiểm và cơ chế hợp tác công - tư rõ ràng.
Các chuyên gia cho rằng, để Việt Nam phát triển, cần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo xanh, trong đó các viện nghiên cứu, doanh nghiệp, trường đại học và cơ quan nhà nước cùng phối hợp nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển bền vững. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào hạ tầng số, phát triển nhân lực chất lượng cao và thiết lập các chuẩn mực mới cho công nghệ xanh trong sản xuất và tiêu dùng.

Toàn cảnh sự kiện công bố báo cáo của Ngân hàng Thế giới.
Chuyển đổi sang một nền kinh tế thu nhập cao là yêu cầu tất yếu để hội nhập và phát triển. Với bối cảnh nguồn tài nguyên đang ngày càng suy giảm, công nghệ thay đổi không ngừng…, Việt Nam cần một cách tiếp cận mới dựa trên cải cách thể chế sâu rộng, tăng trưởng xanh và đổi mới sáng tạo công nghệ.
Phong Vũ