Thứ tư, 24/08/2022 15:48

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam: Nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ được nghiên cứu và chuyển giao thành công vào thực tiễn

Trong thời gian qua, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (KHTLVN) đã đề xuất và thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) có ý nghĩa thực tiễn, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các nhiệm vụ nghiên cứu của Viện đã góp phần giải quyết toàn diện, đồng bộ những vấn đề lớn của thực tiễn như: vấn đề sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hạ thấp lòng dẫn sông và hạ du vùng Đồng bằng sông Hồng… Thông tin này đã được Lãnh đạo Viện KHTLVN chia sẻ tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ KH&CN ngày 23/8/2022.

GS.TS Trần Đình Hoà - Giám đốc Viện KHTLVN báo cáo một số kết quả hoạt động của Viện.

Tại buổi làm việc, GS.TS Trần Đình Hoà - Giám đốc Viện KHTLVN đã thay mặt Lãnh đạo Viện điểm lại một số kết quả hoạt động KH&CN nổi bật của Viện trong thời gian qua về lĩnh vực tài nguyên nước; lĩnh vực chỉnh trị sông, bảo vệ bờ biển, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai...

Lĩnh vực tài nguyên nước

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vấn đề hạn hán, cạn kiệt nguồn nước, xâm nhập mặn, suy thoái, ô nhiễm môi trường đang là thách thức rất lớn đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nắm bắt trước những vấn đề lớn đó của thế giới và Việt Nam, trong một thời gian dài, Viện KHTLVN đã chủ động tập trung nghiên cứu, tính toán đánh giá, dự báo biến động nguồn nước và đề xuất các giải pháp phục vụ khai thác và bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước và môi trường, không ngừng cập nhật, hoàn thiện bổ sung, ứng dụng tiến bộ KH&CN của thế giới để nâng cao độ chính xác của các tính toán, dự báo, các kết quả nghiên cứu về vấn đề này đã được chuyển giao áp dụng vào thực tiễn điều hành sản xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương. Nổi bật trong nghiên cứu về lĩnh vực tài nguyên nước là công nghệ dự báo và giám sát hạn hán, xâm nhập mặn - sản phẩm của các đề tài cấp quốc gia, cấp bộ đã được Viện nghiên cứu, phát triển và triển khai ứng dụng tại vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long đạt kết quả tốt, cung cấp số liệu dự báo chính xác, giúp Bộ NN&PTNT trong điều hành sản xuất hiệu quả, đặc biệt là đợt hạn 2015-2016, 2019-2020 được Bộ NN&PTNT và các địa phương đánh giá rất cao, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho nhóm nghiên cứu năm 2016.

Lĩnh vực chỉnh trị sông, bảo vệ bờ biển, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cùng với việc khai thác ở thượng nguồn như xây hồ, đập, phá rừng, xây dựng các khu dân cư, thành phố ven sông, ven biển... đã làm cho các vấn đề thiên tai như bão, lũ, sạt lở bờ, càng trở lên trầm trọng và khó lường hơn. Đứng trước thực tiễn đó, Viện KHTLVN đã tập trung các nghiên cứu vào các vùng trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Hồng để nghiên cứu diễn biến và đề xuất các giải pháp chỉnh trị, bảo vệ bờ sông, cửa sông, bờ biển, vấn đề điều hành liên hồ chứa đảm bảo an toàn công trình đầu mối và vùng hạ du, đặc biệt là những thành phố lớn, vấn đề ngập lụt hạ du hồ chứa và ngập lụt bởi nước dâng do siêu bão và bão mạnh.

Hiện nay, các nghiên cứu thuộc lĩnh vực này của Viện được định hình tập trung theo một số hướng chính để giải quyết tổng thể các vấn đề liên quan thuộc các lưu vực sông lớn, các vùng trọng điểm. Cụ thể, đối với vấn đề sạt lở bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long, Viện đã nghiên cứu và đề xuất được các giải pháp công nghệ bảo vệ bờ phù hợp (gồm cả các giải pháp công trình và phi công trình) và ứng dụng thành công tại nhiều điểm sạt lở trọng điểm ở Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang. Hiện Viện đang xây dựng sổ tay hướng dẫn thiết kế các dạng công trình bảo vệ bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đối với sông Hồng: một nhóm các đề tài của Viện thông qua Chương trình KC08 đã tập trung nghiên cứu đề xuất giải pháp đảm bảo ổn định lòng sông thoát lũ; giải pháp và kế hoạch ứng phó với lũ khẩn cấp, lũ cực lớn do vỡ đập trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình... Các kết quả nghiên cứu của Viện đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và hoàn thiện để chuyển giao cho Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng chống Thiên tai.

Bên cạnh đó, công nghệ trồng cây chắn sóng được Viện đặc biệt quan tâm, được Bộ KH&CN tạo điều kiện thực hiện các nghiên cứu trong nhiều năm qua. Với một số ưu điểm cải tiến như: có thể trồng cây chắn sóng tại các bãi triều không thể trồng cây bằng biện pháp lâm nghiệp thông thường; bãi có dinh dưỡng kém, thể nền yếu, sóng lớn; chi phí trồng cây chắn sóng rẻ hơn nhiều so với biện pháp gia cố hoặc xây mới đê. Kết quả nghiên cứu các loại cây chắn sóng ven biển đã được ứng dụng vào khôi phục và trồng rừng ngập mặn bảo vệ cho các đoạn đê biển các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang.

Thủy nông cải tạo đất và cấp thoát nước, môi trường

Là lĩnh vực nghiên cứu lớn, có bề dày lịch sử, trong giai đoạn này, lĩnh vực thủy nông cải tạo đất và cấp thoát nước, môi trường đã bám sát các chủ trương lớn của đề án tái cơ cấu ngành NN&PTNT, tiếp cận xu thế công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới trong lĩnh vực tưới tiêu, cấp thoát nước, cải tạo đồng ruộng, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, Viện tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào: nghiên cứu xây dựng bộ quy trình tưới hợp lý kết hợp bón phân cho một số cây trồng chủ lực, như cà phê chè (Tây Nguyên), cao su (Đông Nam Bộ), chè (miền núi phía Bắc, Tây Nguyên), dứa (miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nam Bộ), xoài (Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ), cam (miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ), bưởi (miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ), thanh long (Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ), chuối (miền núi Phía Bắc, Đông Nam Bộ)... Tiếp tục hoàn thiện công nghệ và tích hợp thiết bị tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, thiết kế hệ thống thoát nước bề mặt và kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, góp phần khống chế bệnh chết nhanh, chết chậm cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Hiện nay, Viện đang tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm xây dựng các quy trình tưới thông minh, tưới chính xác cho một số cây trồng chủ lực.

Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường nước, xâm nhập mặn trong hệ thống sông, kênh cũng đang đặt ra thách thức rất lớn cho thủy lợi trong việc cụ thể hóa Luật Thủy lợi mới được ban hành, đứng trước vấn đề này, Viện đã xây dựng và triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia để nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường nước trên các sông trục chính và hệ thống công trình thủy lợi các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Hồng phục vụ phát triển nông nghiệp an toàn và cấp nước sinh hoạt; nghiên cứu diễn biến nguồn nước, chất lượng nước và đề xuất các giải pháp khai thác thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả và hạn chế rủi ro thiên tai (hạn mặn) vùng nuôi thủy sản, trồng trọt ven biển Đồng bằng sông Cửu Long với cách tiếp cận tổng thể từ quản lý, vận hành, đến công nghệ và chính sách nhằm bảo vệ và xử lý.

Thiết bị cơ điện chuyên dùng thủy lợi

Xuất phát từ thực tiễn, Viện KHTLVN đã nghiên cứu và chế tạo thành công bơm hút sâu có HCK=8 m ứng dụng cho vùng miền núi, trung du, những nơi có sự chênh lệch mực nước lớn trong năm. Hiện nay có 24 chủng loại máy bơm được sản xuất, ứng dụng đạt hiệu quả cao tại nhiều tỉnh thành trong cả nước: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… Ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản, bơm hút sâu cải tiến cho phép hút xa nước biển đến 200 m, đảm bảo chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản trên cát, đã ứng dụng thành công tại Nghệ An... Làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo các loại bơm công suất lớn, cột nước thấp phục vụ chống ngập úng như bơm HT145, lưu lượng 36.000 m3/h, bơm capsule, các loại bơm xiên, bơm trục ngang 4.000 m3/h phục vụ nâng cấp, cải tạo trên 700 trạm bơm đã được xây dựng 50-60 năm trước trên hệ thống thuỷ nông Đồng bằng Bắc Bộ...

Bên cạnh hoạt động KH&CN, đào tạo sau đại học là một trong những chức năng và nhiệm vụ trọng tâm của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Viện đã đặt mục tiêu đào tạo và nỗ lực đào tạo để cung cấp nguồn cán bộ nghiên cứu có trình độ cao cũng như tăng cường năng lực cán bộ chuyên ngành phục vụ cho các bộ, ngành. Đồng thời, đào tạo và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ khoa học của Viện để thực hiện tốt các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN của Viện, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Đến nay, Viện đã đào tạo thành công hơn 130 tiến sỹ cho ngành NN&PTNT. Hiện tại, có 44 nghiên cứu sinh đang học tập và nghiên cứu tại Viện.

Theo GS.TS Trần Đình Hoà, đứng trước những cơ hội và thách thức mới, với tiềm lực, vị thế và sứ mệnh của mình, trong thời gian tới, Viện sẽ tập trung vào: i) Nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công cụ tính toán, dự báo, cảnh báo lũ, an toàn hồ chứa, ngập lụt hạ du hồ chứa, các khu đô thị, dân cư; dự báo diễn biến xói lở, bồi tụ bờ sông, cửa sông, bờ biển và hải đảo; dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất; ii) Nghiên các giải pháp KH&CN phục vụ quy hoạch, xây dựng, bảo vệ và sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, hạ tầng nông thôn theo hướng hiện đại, thông minh và thân thiện môi trường; iii) Nghiên cứu các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số và chính sách phục vụ nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác nguồn nước, công trình thủy lợi phòng chống thiên tai theo hướng thông minh, hiện đại. Để đạt được mục tiêu nêu trên, Viện mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Lãnh đạo Bộ KH&CN cùng các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN như Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên...

CT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)