Thứ năm, 07/12/2023 14:43

Phát triển nhãn hiệu tập thể na Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng

Xã Liên Khê có diện tích trồng na lớn nhất của huyện Thủy Nguyên với hơn 100 ha. Giống na bở ở Liên Khê đã được trồng lâu đời, lưu truyền qua nhiều thế hệ và có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với giống na dai và na nhập ngoại khác vì cây phát triển nhanh khỏe, đậu quả nhiều, sinh trưởng tốt, kháng bệnh cao, có hương thơm đặc biệt. Phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) là việc làm cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng của quả na Liên Khê trên thị trường.

Tiềm năng phát triển quả na bở Liên Khê

Huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng có hơn 300 ha trồng na và tập trung chủ yếu ở các xã như Chính Mỹ, Liên Khê, An Sơn, Kỳ Sơn, Lại Xuân. Trong đó, xã Liên Khê có diện tích trồng na lớn nhất của huyện với khoảng 100 ha và chỉ trồng một giống na bở duy nhất trên toàn xã. Sản lượng na bở của Liên Khê đạt khoảng 900 tấn/năm, trong đó sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn VietGAP là 270 tấn. Doanh thu đạt 56 tỷ đồng/năm và lợi nhuận là 16 tỷ đồng/năm. Giống na bở Liên Khê đã được trồng lâu đời và có chất lượng tốt do được trồng tập trung với chỉ một loại giống na bở và không lẫn tạp. Na bở Liên Khê quả to, mẫu mã đẹp, na chín có mắt hồng, căng bóng, thịt trắng, thơm, có vị ngọt thanh, bổ dưỡng, phù hợp với mọi lứa tuổi và múi to. Điều này đã làm cho quả na bở Liên Khê ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ na bở Liên Khê khá rộng, từ Hải Phòng tới các tỉnh thành khác như Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa...

Sản phẩm na bở Liên Khê.

Trong những năm trở lại đây, chất lượng na bở Liên Khê khá tốt, quả to, chất lượng thơm ngon và người tiêu dung khá ưa chuộng. Quả na bở Liên Khê có trọng lượng từ 200 gam trở lên, thơm, ngọt thanh và quả không bị dập nát, thối hỏng. Giá na bở Liên Khê loại 1 tại Hải Phòng trung bình 130.000 đồng/kg và tại Hà Nội là 160.000 đồng/kg.

Về hiệu quả kinh tế, trồng na bở ở Liên Khê cho thu nhập khá cao. Trung bình mỗi ha trồng na cho thu hoạch từ 8-9 tấn na với giá trị từ 500-600 triệu đồng, cao gấp 10-20 lần so với trồng lúa. Vùng trồng na bở Liên Khê đã được hướng dẫn khoa học kỹ thuật sản xuất để đảm bảo an toàn về mặt môi trường, đất, nước và sức khỏe người sản xuất do bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời điểm, kết hợp với những kỹ thuật tiến tiến như tỉa cành, tạo tán, thụ phấn nhân tạo…

Sau hơn 3 năm quản lý và phát triển NHTT “Liên Khê” đã cho thấy một số tác động tích cực như giúp tăng diện tích sản xuất na bở, tăng giá trị sản phẩm 15-20%, nâng cao danh tiếng sản phẩm na bở Liên Khê trên thị trường, kênh tiêu thụ sản phẩm đã đa dạng và chuyên nghiệp hơn, góp phần giúp sản phẩm na bở Liên Khê đạt OCOP 3 sao của TP Hải Phòng.

Do đó, việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN: Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể “Liên Khê” cho sản phẩm quả na, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng là cần thiết và có ý nghĩa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị và thương hiệu quả na bở Liên Khê trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng na.

Hệ thống truy suất nguồn gốc sản phẩm QR code

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới sản phẩm an toàn và có nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cần được chú trọng trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc sẽ tạo cơ sở niềm tin và sự trung thành trong tiêu dùng sản phẩm của người tiêu dùng.

Đối với nhà sản xuất và quản lý, hệ thống truy xuất nguồn gốc là cơ sở để quản lý nội bộ chất lượng của sản phẩm và quản lý trong suốt chuỗi giá trị sản phẩm trên thị trường từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm na Liên Khê đã được xây dựng nhưng thông tin về sản phẩm, thông tin người sản xuất và một số thông tin liên hệ khác để giúp người tiêu dùng có thể liên hệ, phản ánh những yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại trực tiếp với hợp tác xã.

Thông tin trên hệ thống quy xuất nguồn gốc sản phẩm na Liên Khê.

Để quản lý và khai thác tốt giá trị của NHTT “na Liên Khê” sau khi bảo hộ, cần phải hoàn thiện mô hình quản lý phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và sản phẩm. Dự án Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển NHTT “Liên Khê” cho sản phẩm quả na của xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng đã hỗ trợ Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Liên Khê hoàn hiện mô hình quản lý với sự tham gia của nhiều bên vào mô hình và cùng với đó là các công cụ giúp quản lý và khai thác có hiệu quả giá trị sản phẩm mang NHTT “na Liên Khê”.

Mai Văn Thủy

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)