Sau hơn nửa năm từ khi phóng lên quỹ đạo, Kính thiên văn không gian mạnh nhất, phức tạp nhất và tốn kém nhất mà con người từng chế tạo - James Webb (JWST) đã thực hiện một quy trình hiệu chỉnh phức tạp chưa từng có. Giờ đây, “cỗ máy thời gian” này đã sẵn sàng cho những sứ mệnh khoa học đầy hứa hẹn, mở ra một kỷ nguyên khám phá vũ trụ, giúp chúng ta hiểu biết một cách sâu sắc hơn về nguồn gốc của vũ trụ và bắt đầu trả lời những câu hỏi cốt yếu về sự tồn tại của con người: chúng ta đến từ đâu và liệu loài người có đơn độc trong vũ trụ hay không?
Để khởi động cho những khám phá khoa học trong tương lai, các nhà khoa học từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA) và Viện Khoa học Kính không gian của Mỹ (STScI) đã lựa chọn các mục tiêu quan sát đầu tiên cho JWST: Ảnh trường sâu về đám thiên hà SMACS 0723, “Vách đá vũ trụ” trong Tinh vân Carina, tinh vân hành tinh Nhẫn phương Nam, đám thiên hà Stephan’s Quintet, Quang phổ khí quyển của ngoại hành tinh WASP-96b. Và mới đây (12/7/2022), NASA đã công bố các hình ảnh ở những mục tiêu quan sát này được chụp lần đầu tiên bởi JWST.