Nhiều chuyển biến tích cực
Giám đốc Sở KH&CN Sóc Trăng Nguyễn Thành Duy cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh; sự hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn của Bộ KH&CN; sự phối hợp của các sở, ban/ngành…, thời gian qua, hoạt động KH&CN Sóc Trăng đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Ngân sách đầu tư cho KH&CN đã có sự gia tăng hằng năm. Công tác tham mưu xây dựng văn bản, chương trình, kế hoạch nhằm triển khai các quy định của ngành, các quy định có liên quan được quan tâm thực hiện; trình tự, thủ tục cơ bản đáp ứng theo quy định. Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ công nghệ từng bước được đổi mới, theo hướng gắn kết với sản xuất và đời sống. Đặc biệt, đã có nhiều doanh nghiệp chủ động đầu tư cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua việc đối ứng kinh phí triển khai các đề tài/dự án (có trường hợp kinh phí đối ứng trên 50% tổng kinh phí đầu tư).

Ông Nguyễn Thành Duy - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng phát biểu tại Hội thảo.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu KHCN và ĐMST trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vướng mắc. Việc ngân sách nhà nước và xã hội đầu tư cho hoạt động nghiên cứu - triển khai còn thấp (kinh phí chi sự nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng còn thấp, chiếm tỷ lệ bình quân 0,27% so với tổng chi ngân sách của tỉnh); nhiều thủ tục mua sắm nguyên vật liệu, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu còn phức tạp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ còn nhiều bất cập, thủ tục còn rườm rà; một số đề tài/dự án mới chỉ được triển khai ở quy mô thử nghiệm, chưa phù hợp với nhu cầu phát sinh từ thực tiễn sản xuất, đời sống. Việc nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất còn hạn chế về phạm vi, quy mô.
Là địa phương còn khó khăn nên thị trường công nghệ, hoạt động ĐMST chưa phát triển... cũng là những rào cản khiến cho hoạt động nghiên cứu KHCN và ĐMST rên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn...
Nhiều giải pháp đột phá để phát triển
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào cho biết, để thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số, Sóc Trăng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 quy mô nền kinh tế tối thiểu đạt 30% GRDP. Để làm được điều đó, việc phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số sẽ là đột phá quan trọng.

Bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, tỉnh sẽ tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, nhằm tạo động lực cho phát triển công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số của tỉnh.
Thứ nhất, quan tâm, tăng cường đầu tư ngân sách cho lĩnh vực KH&CN, bố trí nguồn ngân sách cho KH&CN bảo đảm mục tiêu của Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị là 3%; đặc biệt cần nghiên cứu, tìm kiếm những những nguồn vốn từ doanh nghiệp và xã hội hóa.
Hai là, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao. Có chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ đối với nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao; khuyến khích các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về công tác và làm việc tại địa phương.
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; chủ động đề xuất các nhiệm vụ KH&CN phù hợp với địa phương nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch...
Bốn là, mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế, nhằm thu hút nguồn lực (tài chính, nhân lực, trang thiết bị…) cho hoạt động nghiên cứu khoa học, ĐMST và chuyển đổi số. Mở rộng hợp tác với các viện, trường đại học, tổ chức KH&CN trong và ngoài nước để liên kết giáo dục và đào tạo; dạy nghề và triển khai các dự án nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất và đời sống.
Năm là, tạo dựng hệ sinh thái ĐMST; đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ; phát triển doanh nghiệp KH&CN, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao...
Sáu là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ, nhất là hạ tầng thông tin hiện đại, bảo đảm triển khai đồng bộ và thông suốt chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến… Hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức để có thể tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến hiệu quả… góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Toàn cảnh Hội thảo.
Phong Vũ - Thu Hiền